Đời tư Phaolô_Nguyễn_Văn_Bình

Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình

Sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, tài sản giáo phận không còn, Phaolô Nguyễn Văn Bình gặp khó khăn trong việc nuôi dưỡng các linh mục đang nghỉ hưu cũng như hỗ trợ các linh mục đau bệnh. Ông không đồng ý nâng cấp xe cá nhân khi đi thăm mục vụ, mà đề nghị dùng tiền để đảm bảo việc sinh hoạt cho giáo phận.[14] Thời điểm tháng 3 năm 1975, trong Tòa tổng giám mục Sài Gòn có hai chiếc xe hơi Peugeot 404 và một chiếc Toyota. Tổng giám mục Bình cho rằng thời điểm lúc đó dân nghèo và khó khăn nên ông dùng xe đẹp. Linh mục Huỳnh Trụ nhân dịp này tặng giám mục Bình chiếc xe hơi La Dalat của nhà xứ, và từ đó Nguyễn Văn Bình sử dụng phương tiện này trong các dịp cử hành thánh lễ cũng như tham gia hội nghị với các quan chức nhà nước cho đến khi qua đời. Khi đến thăm các giáo xứ nhỏ hoặc thăm viếng giáo dân, Nguyễn Văn Bình được chở trên chiếc Honda 50. Nhận thấy việc này, ông Võ Văn Kiệt tặng giám mục Bình một chiếc xe Volga, tuy vậy lại không sử dụng do quá sang trọng. Nhà nước lại tặng Nguyễn Văn Bình xe Lada Niva và ông chỉ sử dụng khi đi dự họp hay thăm quan chức nhà nước.[15]

Sau khi kết thúc chiến tranh, thiếu các linh mục cử hành thánh lễ. Do đó, tổng giám mục Bình thường dậy sớm để 4 giờ sáng khởi hành cử hành lễ cho các giáo xứ nhỏ, họ lẻ lúc 5 giờ vào mỗi ngày thứ 5 và thứ 6. Lo lắng các nữ tu bỏ về gia đình, Nguyễn Văn Bình thăm viếng các dòng để khích lệ họ. Những năm đầu sau biến cố năm 1975, nhiều linh mục đi học tập cải tạo. Nguyễn Văn Bình cũng quan tâm đến các linh mục này và thường xuyên đến thăm, an ủi và cầu nguyện cho họ.[15]

Trong quá trình làm Tổng giám mục, Nguyễn Văn Bình luôn có bài huấn đức hàng năm cho các linh mục, bài nói chuyện này được chuẩn bị kỹ lưỡng. Về nguyên tắc, khi có thư tố cáo linh mục nặc danh, Nguyễn Văn Bình không hề xem thư, chỉ khi có tên người tố cáo mới xem và giải quyết. Sau khi Việt Nam chấm dứt chiến tranh, Nguyễn Văn Bình tìm các phương kế đến thăm các linh mục bị tù và thương lượng với chính quyền để xin cho một số linh mục được tha. Đối với các dòng tu sau năm 1975 đều gặp khó khăn. Chính vì thế, Tổng giám mục Bình thường đến thăm viếng các nữ tu, đặc biệt chở máy video và TV đến với Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, dòng tu ở địa điểm xa trung tâm và có tài chính khó khăn nhất. Ông cũng có dịp đến chơi lô-tô với các nữ tu để họ giảm đi sự buồn chán khi ở lại trông coi tài sản Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán trong mùa Tết Nguyên Đán. Hành lang tại Tòa Tổng giám mục thời ông quản lý chưa có cửa, những người nghèo và bệnh tật dễ dàng tiếp cận tổng giám mục Bình để nhận hỗ trợ.[53]

Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình thích ăn cơm với khoai mỡ. Tuy vậy, sau khi mắc bệnh cao huyết áp và máu nhiễm mỡ, ông kiêng ăn món ăn này.[15] Ông cũng là một người yêu thích bóng đá và thường xem trực tiếp bóng đá qua truyền hình. Ông không thích việc thức đêm vì cho rằng việc này gây hại cho sức khỏe.[412]

Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình tuyên bố ông sợ dạng linh mục "không biết sợ" với các đặc tính không sợ giáo dân, không sợ giám mục của mình, không sợ chính quyền, không sợ cả Chúa.[413][414] Nói về tình thương, Nguyễn Văn Bình thường nhắc nhở linh mục và tu sĩ yêu thương những người cộng sản, dù có thể tình thương đó không đến từ hai phía.[415]

Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình có quan hệ tốt đẹp với ông Võ Văn Kiệt, vốn là Chủ tịch và Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh những năm đầu tiên sau biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975. Hai vị này thường xưng hô thân mật với nhau bằng anh Năm (chỉ Tổng giám mục Bình) và anh Sáu (chỉ ông Võ Văn Kiệt). Hai nhân vật này gặp nhau ở các sự kiện lớn và đánh giá cao về nhau, ông Võ Văn Kiệt thường gặp tổng giám mục Nguyễn Văn Bình vào buổi tối tại tòa soạn báo Công giáo và Dân tộc. Tần suất gặp gỡ là hai đến ba lần mỗi năm khi ông Kiệt còn công tác tại Thành phố, khoảng thời gian ông chuyển công tác tại Trung ương thì còn một năm một lần. Các cuộc gặp thân tình này chỉ gián đoạn vào những năm cuối đời khi sức khỏe tổng giám mục Nguyễn Văn Bình suy yếu. Ông Võ Văn Kiệt cho rằng Tòa Thánh Vatican chưa đánh giá đúng mức và đối xử không công bằng với Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình và băn khoăn về tước hồng y phải chăng chỉ dành riêng cho Hà Nội. Nhờ mối quan hệ này, tại Thành phố Hồ Chí Minh, có ít mâu thuẫn giữa chính quyền với Công giáo.[416] Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh cũng từng phát biểu và ghi nhận đóng góp của Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình trong việc gia tăng hiểu biết giữa chính quyền Cách mạng với giáo dân Công giáo Việt Nam, thúc đẩy đóng góp từ phía người Công giáo trong các hoạt động bảo vệ tổ quốc và đồng hành cùng dân tộc.[417]

Nhận xét về đời tư của Ngô Đình Diệm trên quan điểm cá nhân Nguyễn Văn Bình cho rằng đời tư ông Diệm tốt và sống nghèo, nhận định ông Diệm hy sinh cho đất nước và mong muốn điều tốt đẹp cho đất nước và đồng bào Việt Nam. Nói về sự tách biệt của Giáo hội Công giáo với Nhà nước, Nguyễn Văn Bình cho biết những người Công giáo tham gia chính quyền họ Ngô chỉ trên tư cách công dân, giáo hội Công giáo không có trách nhiệm về những người này và trong thời kỳ Ngô Đình Diệm, ông cố gắng để mọi người thấy Giáo hội khác với chính quyền và chính phủ.[418] Nói về những tin đồn và trách móc xung quanh bản thân trong những ngày đau bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh với nhà báo Richard Werkly, Nguyễn Văn Bình nhận định: Người ta đã phiền trách tôi nhiều vì tôi đã tỏ ra hợp tác… Nhưng Vatican phải hiểu rằng chính thực tế đã khiến cho tôi phải hành động như vậy.[11]

Ngoài tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình còn có thể nói trôi chảy tiếng Pháp, tiếng Ý và một chút tiếng Anh.[419] Ông cũng có thể sử dụng tiếng Latinh.[169]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phaolô_Nguyễn_Văn_Bình http://giaoluatconggiao.com/Cac-Quy-Che/tu-chinh-h... http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/danh-sach-cac-giam... http://www.nytimes.com/1973/01/20/archives/thieus-... http://pierrenguyenthanhlong.com/1976/01/24/t%E1%B... http://pierrenguyenthanhlong.com/1997/07/01/s%E1%B... http://pierrenguyenthanhlong.com/1998/05/15/stht-1... http://pierrenguyenthanhlong.com/2008/07/04/cai-m%... http://pierrenguyenthanhlong.com/2010/07/08/1762/ http://pierrenguyenthanhlong.com/2010/08/26/stht-1... http://pierrenguyenthanhlong.com/2015/07/13/ky-nie...